Bài viết này nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho các bạn kế toán chưa có kinh nghiệm đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, nơi đó thường không có quy trình kế toán hoàn chỉnh và các hoạt động nhập, xuất, thu, chi… thường được thực hiện trực tiếp bởi những người quản lý mà không cần thông qua kế toán, từ đó làm xuất hiện các sai xót.

Bài hướng dẫn này được trình bày theo trình tự thực hiện từng bước. Nếu bạn phát hiện sai xót hoặc bất hợp lý cần chỉnh sửa, vui lòng góp ý cho tác giả bằng cách gửi góp ý trong phần bình luận ở cuối bài.

Làm cách nào để xem chi tiết từng mục?

Bấm vào chấm tròn ở cuối mỗi mục để mở nội dung bên trong.

Trình tự những việc cần làm khi lập Báo cáo tài chính

Kiểm tra bút toán lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài phải nộp được ghi vào đầu năm. Chứng từ Phiếu kế toán.

Nợ 6422, 6425

Có 3338, 3339

Nộp lệ phí môn bài. Chứng từ Giấy nộp tiền vào ngân sách, Phiếu chi, Báo nợ.

Nợ 3338, 3339

Có 1111, 1121

Kiểm tra bút toán kết chuyển lãi / lỗ đầu năm

Nếu đang lãi, tài khoản 4212 số dư bên Có. Chứng từ Phiếu kế toán.

Nợ 4212

Có 4211

Nếu đang lỗ, tài khoản 4212 số dư bên Nợ. Chứng từ Phiếu kế toán.

Nợ 4211

Có 4212

Kiểm tra hàng hóa tồn kho

Kiểm tra âm kho, kiểm tra giá vốn hàng tồn kho, kiểm tra một cách thận trọng các chứng từ nhập, xuất kho. Những tình huống có thể dẫn đến sai kho là:

– Nhầm mã hàng giữa các mặt hàng gần giống nhau.

– Nhầm số lượng do nhìn nhầm dấu thập phân

– Nhầm số lượng do không quy đổi về cùng đơn vị ghi sổ

– Xuất âm kho trước, nhập bù kho sau

– Xuất kho khi không có đủ hàng trong kho

– Nhập nhầm kho, xuất nhầm kho

– Nhầm tài khoản kho

– …

Kiểm tra bút toán khấu trừ thuế GTGT hàng tháng, hoặc hàng quý

Đối chiếu tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trên Bảng kê hóa đơn mua vào với Tờ khai thuế GTGT và số phát sinh Nợ tài khoản 133.

Đối chiếu tổng số thuế GTGT đầu ra trên Bảng kê hóa đơn bán ra với Tờ khai thuế GTGT và số phát sinh Có tài khoản 3331.

Kiểm tra bút toán khấu trừ thuế GTGT. Chứng từ Phiếu kế toán.

Nợ 33311, 33312

Có 1331, 1332

Tài khoản 133 không có số dư bên Có, số dư bên Nợ thể hiện thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết kỳ này (còn được khấu trừ) chuyển kỳ sau.

Tài khoản 3331 có thể có số dư bên Nợ hoặc bên Có, số dư bên Nợ thể hiện thuế nộp thừa, số dư bên Có thể hiện thuế phải nộp.

Lưu ý, thời điểm hạch toán và thời điểm kê khai thuế đầu vào có thể không cùng trong một kỳ kê khai nên số dư trên tài khoản 133 và 3331 không nhất thiết phải khớp hoàn toàn với các chỉ tiêu tương ứng trên tờ khai thuế GTGT.

Kiểm tra Sổ tiền gửi ngân hàng

Đối chiếu tất cả Sổ tiền gửi ngân hàng với Sổ phụ (Sao kê), bao gồm cả những tài khoản ngân hàng không có phát sinh giao dịch.

Số dư trên tài khoản thanh toán không có số âm, đối với tài khoản thấu chi thì cần được xử lý đó là một khoản vay.

Kiểm tra công nợ

Kiểm tra, đối chiếu công nợ phải thu 131 và phải trả 331, làm Biên bản đối chiếu công nợ nếu cần.

Kiểm tra, đối chiếu các khoản tạm ứng 141 để thanh toán hoặc hoàn ứng nếu cần.

Kiểm tra phân bổ chi phí và trích khấu hao

Kiểm tra tính toán chính xác các Bảng phân bổ chi phí trả trước và Bảng trích khấu hao TSCĐ.

Cần lưu ý đối với phần chi phí phân bổ hoặc khấu hao không được trừ theo luật thuế TNDN.

Kiểm tra các chi phí quản lý phát sinh định kỳ

Các chi phí quản lý phát sinh định kỳ thường dễ bị bỏ xót như chi phí thuê nhà thuê xe, chi phí điện nước… Kiểm tra hợp đồng và chứng từ thanh toán.

Đối với hợp đồng thuê tài sản (thuê nhà, thuê xe…) mà bên cho thuê là tổ chức thì bắt buộc phải có hóa đơn.

Đối với hợp đồng thuê tài sản (thuê nhà, thuê xe…) mà bên cho thuê là cá nhân không kinh doanh có giá trị nhỏ hơn 100 triệu đồng/năm thì không cần hóa đơn.

Đối với hợp đồng thuê tài sản (thuê nhà, thuê xe…) mà bên cho thuê là cá nhân không kinh doanh có giá trị từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì không cần hóa đơn nhưng phải có hồ sơ khai thuế và chứng từ nộp thuế cho thuê tài sản.

Kiểm tra chi phí lương

Kiểm tra Bảng lương và các khoản trích theo lương, đối chiếu với hợp đồng lao động.

Kiểm tra bút toán chi phí lương và các khoản trích theo lương. Chú ý các khoản trích được trừ vào lương nhưng không trừ.

Kiểm tra chi phí nhân công thuê ngoài

Kiểm tra Bảng thanh toán nhân công thuê ngoài và đối chiếu với hợp đồng vụ việc.

Kiểm tra bút toán chi phí nhân công thuê ngoài, chú ý trích trừ thuế TNCN đối với các khoản chi từ 2 triệu đồng/lần.

Kiểm tra doanh thu và thu nhập khác

Nếu trong năm có thanh lý tài sản cố định, công cụ dụng cụ thì giá trị thanh lý được ghi Có 711 và được khai chung trong tổng giá trị hàng hóa bán ra khi kê khai thuế GTGT.

Do đó, cần kiểm tra tổng giá trị Có 711 của thanh lý tài sản, công cụ dụng cụ cộng với tổng giá trị Có 511 của doanh thu bán hàng hóa khớp với tổng giá trị hàng hóa bán ra trên các tờ khai thuế GTGT cả năm.

Kiểm tra Sổ quỹ tiền mặt

Kiểm tra Sổ quỹ tiền mặt đảm bảo không bị âm quỹ.

Trường hợp nếu phát hiện bị âm quỹ thì có thể xử lý bằng cách bổ sung thủ tục mượn tiền.

Lưu ý khi mượn tiền của chủ doanh nghiệp cần xem xét đến các quy định về giao dịch liên kết.

Lập Tờ khai quyết toán thuế TNDN

– Lập Phụ lục Kết quả hoạt động SXKD để tính lợi nhuận kế toán trước thuế.

– Điền lợi nhuận kế toán trước thuế lên Tờ khai thuế TNDN, điền các chi phí không được trừ để tính thu nhập chịu thuế.

– Nếu lãi, lập Phụ lục chuyển lỗ để chuyển lỗ (nếu có) từ các năm trước sang để tính số lỗ được chuyển. Điền số lỗ được chuyển lên Tờ khai thuế TNDN.

– Nếu vẫn lãi, lập Phụ lục miễn giảm thuế (nếu có) để tính số thuế được miễn giảm. Điền số thuế được miễn giảm lên Tờ khai thuế TNDN.

– Điền tiếp các chỉ tiêu còn lại (nếu có) trên Tờ khai thuế TNDN để tính số thuế TNDN phải nộp.

Kết chuyển lãi / lỗ và lập Báo cáo tài chính

– Căn cứ Tờ khai quyết toán thuế TNDN, nếu phải nộp thuế thì ghi nhận bằng bút toán

Nợ 821

Có 3334

– Kết chuyển doanh thu và chi phí để xác định lãi / lỗ.

– Lập Báo cáo tài chính.

Vui lòng gửi ý kiến, đánh giá hoặc đóng góp cho tác giả trong phần bình luận.